Chữ Hán có lịch sử khoảng trên 4000 năm. Xuất phát từ những hình vẽ rồi thành chữ viết. Trải qua hàng nghìn năm được vô số thế hệ nối tiếp phát huy, cách viết chữ Hán đã được nâng lên thành một nghệ thuật – Thư Pháp.
Nói đến Thư Pháp người ta không thể không nhắc đến tên một Thư Pháp Gia vĩ đại được coi là bậc thầy muôn đời của các nhà Thư Pháp đó là Vương Hy Chi. Ông sống ở đời Đông Tấn, nổi tiếng với bức tranh chữ Thiếp Lan Đình ( Bản viết treo ở Đình Hoa lan.) . Các nhà thư họa sau này phàm là đã theo đuổi đam mê nghệ thuật Thư Pháp thì chắc chắn đều phải tham khảo qua Thiếp Lan Đình. Sau Vương Hy Chi con trai ông là Vương Hiến Chi cũng rất nổi tiếng, người đời tôn xưng là “Thư Pháp Nhị Vương – hai ông Vua của Thư Pháp.”. Nối tiếp đời Đường có Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, đời Tống có “Tứ Gia : Tô, Hoàng, Mễ, Thái” tức Tô Đông Pha, Hoàng Đình Kiên, Mễ Thị, Thái Tượng tạo ra bốn trường phái Thư Pháp nổi tiếng đến tận ngày nay. Đời Minh có Tam Tống ( Tống Toại, Tống Khắc, Tống Quảng) và Nhị Thẩm ( Thẩm Độ, Thẩm Xuân). Đời Thanh nổi tiếng có Ngô Xương Thạc, Khang Hữu Vi. Khang Hữu Vi vừa là một nhà cách mạng vừa là một nhà Thư Pháp lớn, ông cũng là bạn tâm giao với nhà Chí Sĩ Yêu Nước của Việt Nam là Phan Bội Châu.
Về hình thức chữ trong Thư Pháp được chia ra làm 5 loại cơ bản gồm : Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo. Nhưng Triện gồm 2 loại là Đại Triện và Tiểu Triện nên có thể gọi là có 6 thể chữ.
Triện thư là thể loại chữ có dáng hình vuông vức góc cạnh, thường được dùng khắc trên các đồ vật, con dấu, vì thế người xưa cũng gọi dấu ấn là con triện.
Lệ thư có từ thời Hán Sở dáng chữ gọn gàng hơn đường nét cũng mềm hơn, có thể nói từ Lệ thư trở đi chữ Hán được chú ý đến tính thẩm mỹ nhiều hơn.
Chân thư có nghĩa là cách viết chân thực, đây là cách viết phổ biến được dùng trên các văn bản hàng ngày. Đường nét gọn gàng cân đối, mềm mại mà ổn định vững chắc. Chân thư dễ viết những đề viết một cách hoàn mỹ thật không dễ.
Thảo thư là thể loại phát triển mạnh nhất vào đời Đường. Đây là thể chữ mang nhiều dấu ấn cá tính mỗi người viết, nét chữ phóng túng, không chút gò bó. Có thể nói tâm ý người viết hoàn toàn bộc lộ chỉ trong một lần phóng bút. Thảo thư không dễ đọc. Đạt tới đỉnh cao của Thảo thư là “Cuồng Thảo” khi ở mức độ này gần như chỉ người viết và tri âm mới đọc được.
Nằm giữa hai thể Thảo thư và Chân thư là
Hành thư. Hành thư đường nét bay bướm uyển chuyển, dễ dàng biểu đạt các tâm hồn lãng mạn, chỉ cần có chút căn bản về Thư Pháp thì có thể dễ dàng đọc được Hành thư. Các bức Thư Pháp hoặc Thư Họa thường hay sử dụng thể chữ này.
Khi nhìn một người viết Thư Pháp chúng ta dễ dàng nhận thấy họ hoàn toàn khác với người viết chữ thông thường. Sự trang trọng, nét nghiêm cẩn của họ đã nói lên nhiều điều. Thậm chí đôi khi chúng ta cảm thấy họ như đang tiến hành một nghi lễ tôn giáo – Thư Đạo. Đúng vậy ! Trong các kỹ thuật của nghệ thuật viết chữ bắt đầu từ căn bản người luyện Thư Pháp bắt buộc phải trải qua các bước sau :
Trừng Thần – tức là bước thanh lọc tâm thức. Sách xưa có nói “Thư, Tâm Họa Dã – Viết ấy là vẽ trong Tâm!” nhà Thư Pháp nổi tiếng Vương Thạch Quân nói : “Phàm là lúc viết chữ, quý ở chỗ trầm tĩnh, cái ý ở đầu bút, mà chữ thì trong Tâm!”.
Chấp Bút – tức là cách cầm bút. Người xưa nói : học viết trước cần học cầm bút. Cầm bút có đúng cách thì viết chữ mới đẹp, mà tay không bị mỏi. Cầm bút sai thì coi như chữ chưa viết đã hỏng rồi.
Dụng Oản – tức cách sử dụng cổ tay. Khương Bạch Thạch nói : Không thể dùng ngón tay mà chuyển vận bút, phải dùng cổ tay mà vận chuyển bút. Khi các ngón tay đã dùng để giữ bút thì không thể dùng nó để điểu khiển bút viết, vì như thế tất sẽ làm rơi bút hoặc nét chữ nghiêng vẹo. Cũng không được để cách tay di động khi viết, chỉ sử dụng nơi khớp cổ tay mà thôi. Theo truyền thuyết người xưa khi tập Thư Pháp thường để hai ngọn đèn hai bên tay, nếu có chút di động của cánh tay sẽ lập tức bị bỏng.
Viết chữ đã nhiều công phu mà thưởng thức Thư Pháp còn khó hơn rất nhiều. Có thể nói đây chính là Tri Âm, Tri Kỷ Bá Nha gặp Tử Kỳ của những tâm hồn đồng điệu. Nét chữ thường thể hiện toàn bộ phẩm chất của người viết. Một bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư được viết bằng thể Hành thư, nét chữ miên man, các đường tơ mực như bám đuổi không dứt, đan xen trong đó có những khoảng không vắng lặng. Người viết là một Cao Tăng đã sớm đoạn tuyệt hồng trần mà còn đó nỗi đau nhân thế !
Một chữ Phúc viết theo thể Triện vuông vắn góc cạnh khí lực sung mãn, cốt cách cứng cỏi, người viết ắt là một người tay trắng trải bao sương gió cuối cùng đã làm nên cơ đồ sự nghiệp.
Hiểu Thư Pháp và chơi Thư Pháp không chỉ ở chỗ thưởng thức cái đẹp. Người ta còn ký thác nơi con chữ nhiều tâm sự, ước mong hoài bão của mình. Cũng vì thế mà mỗi dịp Tết đến Xuân về người ta lại đi xin chữ, mua chữ. Chữ Phúc dán trên cửa lộn đầu xuống mang ý nghĩa là Phúc giáng từ trên trời xuống; Chữ Lộc thường được các cửa hàng, tiệm buôn xin về dán hai bên cửa đề mỗi lần đóng mở tài lộc lại tiến vào; Người quan chức thì xin chữ “Thăng Quan Tiến Nghiệp” hoặc “Công Chính Liêm Minh”, nhà dân thường dùng chữ “Ngũ Phúc Lâm Môn”…..Các nhà tu hành, tôn giáo thì dùng chữ Tâm biểu hiện cho ý hướng thanh cao của mình.
Nhiều người cẩn thận hơn còn xem vận số mình thích hợp với chữ gì, thể gì, màu gì rỗi mới trân trọng xin chữ về, mong đạt được những ước mơ của mình. Âu cũng là cái sự tôn trọng cái đẹp mà thôi.
Nói thêm đôi chút ngoài lề về cách chơi chữ của người sống ở các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Rất nhiều khi người ta dùng hình tượng của một con vật thay cho Chữ biểu hiện ước mơ của mình. Như con dơi là biểu hiện của chữ Phúc vì trong âm đọc của người Trung Quốc chữ Bức trong từ Biên Bức – con dơi phát âm tương tự chữ Phúc. Hay như con Gà chữ Hán đọc là Kê – người Trung Quốc đọc tương tự chữ Kiết nghĩa là tốt lành.
Thư Pháp trải qua hàng nghìn năm phát triển có thể nói là một nét đặc sắc trong văn hóa tinh thần của người Á Đông. Nó biểu hiện nét đẹp trong tâm hồn mỗi người, nó là nơi người ta gửi gắm chia sẻ ước mơ với cộng đồng, với chính mình. Mùa Xuân về thưởng thức nghệ thuật Thư Pháp cũng là một cách hưởng thụ thư thái trong nhịp sống ồn ào của bao ngày đã qua.