Cuối thời triều Hậu Lê sau khi trải qua thời kỳ đất nước thịnh vượng dưới triều đại Lê Thánh Tông đất nước bước vào thời kỳ suy thoái. Khi mà thế nước nghiêng ngửa bốn họ hai dòng tranh giành ngôi báu thì một Thiên Tài Ẩn Mật ở đất Cổ Am đã bơi thuyền nhàn tản trên dòng Tuyết giang mà lèo lái thế nước vững vàng khiến cho phương Bắc dẫu thèm muốn cũng không dám xâm chiếm nước ta. Đó là Thái Phó Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tuyết Giang Phu Tử. Tổng kết ngắn gọn về cuộc đời bậc Thánh Nhân ấy chúng ta có thể nói như sau :
“Thông Tam Giáo
Ái Tam Dân
Giáo Tam Vương
Phân Tam Quốc”Tạm Dịch Nghĩa :
“Thông hiểu hợp nhất triết lý của ba dòng Nho Phật Lão .
Thương yêu hòa đồng cùng cuộc sống của ba thứ dân : nông, công, thương.
Chỉ lối dẫn đường cho ba vị thủ lĩnh của ba tập đoàn Phong Kiến lớn Mạc, Trịnh, Nguyễn.
Hoạch định các phân vùng ảnh hưởng của ba tập đoàn chính trị Mạc Trịnh Nguyễn.”
Song để hoàn thành được Đại Công Cuộc như vậy thì điều chính yếu là bởi Thiên Tài Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chắt lọc được tất cả tinh hoa của các dòng tư tưởng lớn đương thời ( Nho Phật Lão) tạo nên một học thuyết tư tưởng rất cao siêu, mang tính quy nhất và cốt lõi của nó chính là Tâm Hồn thuần phác, đậm đà Dân Tộc Việt Nam.
Năm 1563 sau một thời gian chấp chính, lấy cớ vua Mạc không nghe biểu tấu xin chém 18 lộng thần của mình, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lui về quê ở ẩn. Thực tế không như nhiều người nghĩ rằng ông bất mãn với triều đình, mà thực sự đây chính là bước ông chuẩn bị cho việc thi hành học thuyết Trung Tân của ông.
Tại chính quê hương mình ông cho lập Bạch Vân Am, bắc hai cầu Trường Xuân, Nghinh Phong. Đặc biệt ông cùng các học trò dựng Quán Trung Tân và tại đây trên Bia Khuyến Thiện ông đã ghi lại tư tưởng cao siêu của mình “... Toàn kỳ thiện giả vi trung, bất toàn kỳ thiện giả tắc phi trung dã... Tân giả tân dã, tri sở chỉ vi yếu tân, bất tri sở chỉ tắc mê tân dã... Trung chi sở tại, tức chí thiện chi sở tại... "
Dịch nghĩa là : " Trọn vẹn điều Thiện là Trung, không vẹn toàn điều Thiện thì không phải là Trung... Tân là cái bến, biết chỗ dừng lại là bến chính, không biết chỗ dừng lại là bến mê...Cốt lõi chữ Trung Chính là ở chỗ Chí Thiện...”
Thật ra trong Nho Giáo tư tưởng Trung Dung ( Tồn tại ở cái cân bằng) đã có từ thời sơ khai. Song phải nói đến Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nội dung hàm nghĩa của nó được phát triển một cách phóng khoáng, sâu sắc mang đậm tính nhân bản. Chiếm vị trí trọng yếu của Trung ( Trung thành) phải là tính Thiện ( Vì con người vì chúng sinh vạn vật, hợp thời và hợp thế ) bởi nếu không có chữ Thiện thì lòng Trung trở nên mù quáng, tức là “Ngu Trung”. Còn đấy vô số bài học về không ít con người rất giỏi về tri thức nhưng chỉ vì không sáng được chữ Trung mà tiếp tay cho cái ác lộng hành. Đó là bởi không có tính thiện trong chữ trung nên không có điểm dừng. Vì thế ông mới đặt tên cho cái quán bên sông Tuyết Giang là Trung Tân ( Bến Trung) - biết dừng thì không lạc. Cũng từ cái bến này ta thấy thấp thoáng tư tưởng giác ngộ “Đáo Bỉ Ngạn – Sang bờ bên kia” của Phật Giáo. Cũng là tư tưởng lánh đời mà không trốn đời của Đạo Lão. Chính cái tư tưởng ấy đã dẫn dắt cho Nhà Mạc có được một nền móng tư tưởng Tam Giáo Đồng Nguyên ( Nho Phật Lão cùng một gốc), khác biệt hoàn toàn với thái độ độc tôn Nho Giáo của nhà Hậu Lê. Đây là tư tưởng đặc sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là kết tinh tư tưởng Lạc Việt truyền thống của Dân tộc.
Tư tưởng Trung Tân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ có ích cho nhà Mạc hay là một tư tưởng có giá trị lúc đương thời. Tư tưởng này xuyên suốt vẫn là ngọn hải đăng soi sáng cho con đường đi của Dân Tộc. Xưa nay nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm người ta thưởng tán thưởng về tài tiên tri của ông, cũng có người gọi ông là nhà tư tưởng vĩ đại, song vĩ đại ở chỗ nào thì ít ai nói rõ.
Tư tưởng học truyết Trung Tân của ông rất rõ ràng chỉ cho chúng ta hành động mọi lúc mọi nơi cần có hành động chuẩn mực, cân bằng giữa tất cả các mặt của cuộc sống. Và tiêu chí phân định nó chính là con người, cái gì có lợi cho con người cho đông đảo con người cho lâu dài các thế hệ sau thì đó là Thiện. Cái gì chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ mà chà đạp lên quyền lợi số đông, đề lại hậu quả xấu lâu dài thì đó là điều bất Thiện.
Đã có không ít nơi, không ít người đã chủ trương làm kinh tế bằng mọi cách, bất kể hậu quả về môi trường, xã hội hoặc tệ hơn nữa vì quyền lợi của bản thân mà xâm hại đến quyền lợi của rất nhiều người, đó tức là đã sa vào bến mê rồi.
Nắm rõ hiểu thấu được tư tưởng Trung Tân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì trong mọi việc lớn, việc nhỏ, việc trong gia đình đến quốc gia đại sự chúng ta sẽ luôn có các phương án giải quyết và kết quả tốt. Cuộc sống thực tế không ít khi đặt chúng ta trước sự lựa chọn, hoặc cái này hoặc cái khác, nhưng nếu hiểu được chữ Thiện trung chữ Trung, đâu là bến dừng đâu là chỗ nên tránh thì hẳn chúng ta không bao giờ lạc lối. Trung Tân Quán sẽ luôn là hạn phúc của mỗi người, của cả Dân tộc.
Ngày xuân đến thắp nén hương thơm lòng thành kính tri ân các bậc tiên liệt, thánh hiền. Nhưng xin đừng thắp hương cho Nguyễn Bỉnh Khiêm mà hãy thắp hương cho Tinh Hoa Dân Tộc Nhân Loại ẩn mật trong tư tưởng siêu việt của Thái Phó Quốc Công Trình Tuyền Hầu.